Xu hướng, đường xu hướng, kênh

Khái niệm về xu hướng

Xu hướng là yếu tố vô cùng quan trọng trong  phân tích kỹ thuật để phân tích thị trường. Tất cả các công cụ dành cho người sử dụng đồ thị như ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, mô hình giá, đường trung bình di dộng, đường xu huớng, v.v… đều có một mục đich duy nhất là giúp xác định xu hướng của thị trường để có thể tham gia vào xu hướng đó. Chúng ta thường nghe thấy những câu quen thuộc như “phải luôn giao dịch theo chiều hướng của xu huớng”, “đừng đi lệch xu hướng”, hoặc “xu hướng là người bạn đồng hành”. Vậy ta hãy cùng nhau xác định xem xu hướng là gì đồng thời phân loại chúng thành một số nhóm.

Nhìn chung, xu hướng chỉ đơn giản là chiều hướng cũng như cách thức dịch chuyển của thị trường. Nhưng chúng ta cần có một định nghĩa chính xác hơn. Trước hết, thị trường không bao giờ di chuyển theo một đường thẳng về bất kỳ hướng nào. Sự biến động của thị trường bao gồm hàng loạt chuyển động zíc zắc. Những đường zíc zắc này giống những đợt sóng liên tiếp bao gồm các đỉnh và đáy rõ rệt. Chiều hướng của những đỉnh và đáy này cấu thành xu hướng thị trường. Cho dù có đi lên, xuống hay đi ngang thành những đỉnh và đáy này cũng cho ta thấy xu hướng của thị trường. Một xu hướng được gọi là tăng khi các đỉnh và đáy liên tục đi lên. Nguợc lại, một xu hướng được gọi là giảm khi các đỉnh và đáy đi xuống; còn các đỉnh và đáy nằm ngang sẽ tạo nên một xu hướng đi ngang (không rõ xu hướng).

Hình dưới đây minh họa 3 xu hướng

Xu-huong-tang

Xu-huong-di-ngang

Ba chiều hướng của xu hướng

Chúng ta đã nói đến xu hướng tăng, giảm và đi ngang với lý do hợp lý. Phần lớn mọi người thuờng có khuynh hướng cho rằng thị trường luôn theo xu hướng tăng hoặc giảm. Nhưng thưc tế cho thấy rằng thị trường biến động theo ba hướng: lên, xuống và đi ngang. Điều quan trọng là cần nhận thức được sự tương phản này, bởi chí ít một phần ba thời gian này giá cũng biến động theo một biên độ nằm ngang được gọi là phạm vi giao dịch (trading range).

Dạng vận động đi ngang này phản ánh một giai đoạn giá thăng bằng khi áp lực cung cầu tương đối cân bằng. (Hãy nhớ rằng Lý thuyết Dow thể hiện mô hình này bằng một đường kẻ liền). Mặc dù chúng ta xác định thị trường “đứng im” khi có xu hướng đi ngang nhưng mọi người thường xem nó là thị trường “không rõ xu hướng”.

Về bản chất, hầu hết các công cụ và hệ thống kỹ thuật đều đi theo xu hướng, có nghĩa là chúng đuợc thiết kế cho những thị trường tăng hoặc giảm. Chúng thường vận hành rất kém hiệu quả khi thị trường rơi vào giai đoạn đi ngang hoặc không rõ xu huớng. Chính trong những lúc thị trường đi ngang như thế này, các nhà giao dịch theo phương pháp phân tích kỹ thuật thường nếm trải những cảm giác thất vọng nhất cũng như những thua lỗ trầm trọng nhất. Theo định nghĩa, một hệ thống tuân theo xu hướng cần một xu hướng để hoạt động. Sự bất động ở đây không phải bởi hệ thống mà là do NĐT đang cố gắng áp dụng một hệ thống vốn được thiết kế dành cho thị trường vận động có xu hướng vào một môi trường không có xu hướng.

NĐT phải đối mặt với ba quyết định – muabán hoặc không làm gì cả. Khi thị trường đang tăng giá, chiến lược mua được coi là phù hợp. Khi thị trường đang giảm, quyết định bán là điều cần làm. Tuy nhiên, nếu thị trường đi ngang, quyết định thứ ba – không tham gia vào thị trường – thường được coi là lựa chọn khôn ngoan nhất.

Ba cấp độ của xu hướng

Ngoài sự hiện diện của 3 chiều hướng, xu hướng còn được phân chia thành ba loại như đã được đề cập. Đó là xu hướng chínhxu hướng trung gian và xu hướng ngắn hạnTrên thực tế, gần như không thể xác định được số lượng xu hướng có mối tương tác với một xu hướng khác, từ xu hướng rất ngắn hạn chỉ diễn ra trong vài phút hoặc vài giờ đồng hồ đến những xu hướng cực dài diễn ra vài năm đến vài chục năm. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật đều giới hạn phân loại xu hướng thành ba loại. Tuy vậy, ở đây có một số nhập nhằng trong cách định nghĩa của các nhà phân tích khác nhau.

Lý thuyết Dow xếp xu hướng chính như là loại xu hướng có hiệu lực trên một năm. Với các nhà giao dịch tương lai hoạt động trong một giới hạn thời gian ngắn hơn so với các nhà đầu tư chứng khoán nên chúng ta có khuynh hướng rút ngắn xu hướng chính đối với bất cứ thứ gì trên 6 tháng cho thị trường hàng hóa. Dow xác định xu hướng trung gian hay xu hướng thứ cấp là 3 tuần hoặc nhiều tháng – điều xem ra khá phù hợp cho thị trường tương lai. Xu hướng ngắn hạn đuợc xác định với khoảng thời gian ít hơn 2 hoặc 3 tuần.

Mỗi xu hướng là một phần của xu hướng kế tiếp lớn hơn. Ví dụ, xu hướng trung  gian sẽ là một sự hiệu chỉnh trong xu hướng chính. Trong một xu hướng tăng dài hạn, thị trường chững lại để hiệu chỉnh trong một vài tháng trước khi quay lại bước tăng giá của mình. Sự hiệu chỉnh thứ hai sẽ bao gồm những đợt sóng ngắn hơn được xác định bởi những đợt phục hồi ngắn hạn. Tình trạng này diễn ra nhiều lần – mỗi xu hướng là một phần của xu hướng lớn hơn kế tiếp và bản thân nó cũng được cấu thành từ những xu hướng nhỏ hơn. (Xem hình 2)

Cac-cap-do-cua-xu-huong

Hình trên minh họa ba cấp độ cùa xu huớng: chính, trung gian và ngắn hạn. Điểm 1,2,3 và 4 thể hiện xu hướng chính. Sóng 2-3 thể hiện sự hiệu chỉnh trong xu hướng chính. Mỗi sóng trung gian lần lượt lại đuợc chia thành những xu hướng ngắn hạn. Vi dụ, sóng trung gian 2-3 được chia thành những sóng nhỏ A-B-C.

Nhìn chung, hầu hết các phương pháp tuân theo xu hướng đều tập trung vào xu hướng trung gian kéo dài trong vài tháng. Xu hướng ngắn hạn ban đầu được dùng để xác định thời điểm. Trong một xu hướng tăng trung gian, những điều chỉnh giảm ngắn hạn sẽ được sử dụng để khởi động vị thế mua.

Đường xu hướng

Đường xu hướng là một trong những công cụ kỹ thuật đơn giản nhất đồng thời cũng có giá trị nhất đối với người sử dụng đồ thị. Đường xu hướng tăng là một đường thẳng hướng lên sang phải nối liền những mức đáy thấp nhất. Đường xu hướng giảm là một đường thẳng hướng xuống sang phải nối liền những đỉnh thấp dần.

Duong-xu-huong-tang

Đường-xu-hướng-giảm

Hình 3a là ví dụ về đường xu hướng tăng. Đường xu hướng tăng được vẽ dưới các mức đáy thấp nhất theo chiều đi lên. Một đường xu hướng tăng được vẽ duới hai đáy cao kế tiếp nhau (điềm 1 và 3) nhưng cần có điểm 5 để xác nhận giá trị của đường xu hướng đó.

Hình 3b là ví dụ về một đường xu hướng giảm được vẽ bên trên những đỉnh hồi phục thấp hơn. Đường xu hướng giảm thăm dò cần hai điểm (1 và 3) và một lần kiểm nghiệm thứ ba (điềm 5) để xác nhận giá trị của nó.

Cách vẽ đường xu hướng

Việc vẽ chính xác các đường xu hướng là một khía cạnh quan trọng của đồ thị và một số thử nghiệm với các đường khác nhau sẽ giúp tìm ra đường xu hướng chính xác. Đôi khi, một đường xu hướng trông thì chính xác nhưng cần phải được vẽ lại. Tuy nhiên, ở đây có một số nguyên tắc chủ đạo hữu ích để biết được đâu là một đường xu hướng đúng.

Hình dưới đây minh họa 1 đường xu hướng tăng dài hạn của cổ phiếu CVT kéo dài hơn 1 năm. Đường xu huớng tăng được vẽ đi lên sang phải nối 2 đáy đầu tiên  và rất nhiều lần giá chạm đường xu hướng bật tăng trở lại minh chứng cho 1 xu hướng tăng được duy trì.

Duong-xu-huong-tang-dai-han

Để vẽ được đường xu hướng truớc hết, phải có tín hiệu của một xu hướng. Điều này có nghĩa rằng để vẽ một đuờng xu hướng tăng, cần phải có ít nhất hai đáy, trong đó đáy thứ hai cao hơn thứ nhất. Lẽ dĩ nhiên là ta cần có hai điểm để vẽ một đường thẳng. Ví dụ, trong hình 3a, chỉ khi giá bắt đầu tăng từ điểm 3 thì người vẽ đồ thị mới tin rằng một đáy đã đuợc hình thành, và sau đó đường xu hướng tăng mới được vẽ từ điểm (1) và (3).

Một số người sử dụng đồ thị mong muốn điểm (2) phải bị phá vỡ để xác nhận xu hướng tăng trước khi vẽ đường xu hướng, số khác lại chỉ cần một sự thoái lùi 50% của sóng 2-3, hoặc giá tiến dần đến đỉnh sóng (2). Mặc dù tiêu chí có thể khác nhau, nhưng mấu chốt vẫn là người vẽ đồ thị muốn chắc chắc rằng có một đáy tương ứng được hình thành trước khi xác định giá trị của chúng. Một khi hai đáy tăng dần được xác định thì một đường xu hướng sẽ được vẽ nối liền các đáy, hướng lên và sang phải.

Đường xu hướng thăm dò trong sự đối sánh với đường xu hướng hợp lệ

Cho tớ giờ, tất cả những gì chúng ta có là một đường xu hướng thăm dò. Tuy nhiên, để xác định được giá trị của đường xu hướng thì đường này phải được xác nhận ở lần thứ 3 với giá vượt khỏi nó. Do đó trong hình 3a, việc kiểm nghiệm thành công đường xu hướng tăng tại điểm 5 đã xác nhận giá trị của đường này. Hình 3b cho thấy một xu hướng giảm với nguyên tắc không có gì thay đổi. Việc kiểm nghiệm thành công đường xu hướng diễn ra tại điểm 5. Tóm lại là chúng ta cần 2 điểm để vẽ đường xu hướng và cần một điểm thứ 3 xác nhận để biến nó thành một đường xu hướng hợp lệ.

Cách sử dụng đường xu hướng

Khi điểm thứ 3 đã được xác nhận và đường xu hướng vẫn duy trì chiều hướng ban đầu của mình thì đường này thực sự có ý nghĩa theo nhiều cách. Một trong những khái niệm cơ bản về đường xu hướng cho rằng một đường xu hướng đang hoạt động sẽ có khuynh hướng duy trì tình trạng hoạt động của nó. Hệ quả là khi thừa nhận một độ dốc nào đó như đã được xác nhận bởi đường xu hướng, thì một xu hướng sẽ vẫn thường duy trì một độ dốc như thế. Đường xu hướng không những giúp xác định biên độ của giai đoạn hiệu chỉnh mà còn có thể cho ta biết được thời điểm thay đổi của xu hướng.

Ví dụ: Trong một xu hướng tăng, sự giảm giá hiệu chỉnh không thể tránh khỏi thường sẽ tiếp xúc hoặc tiến đến gần đường xu thế tăng. Bởi dự định của nhà giao dịch là mua vào khi giá thị trường giảm mạnh trong xu hướng tăng, đường xu hướng này sẽ tạo ra một ranh giới hỗ trợ khi giá giảm – điều đó được sử dụng như là một khu vực mua. Đường xu hướng giảm có thể được sử dụng như là một vùng kháng cự cho mục đích bán ( Xem hình 4a – 4b)

Duong-xu-huong-tang-bi-pha-vo

Một khi còn chưa bị phá vỡ thì đường xu hướng vẫn còn được sử dụng để xác định khu vực mua và bán.  Tuy nhiên tại điểm 9 trong hình 4a-b, đường xu hướng bị phá vỡ báo hiệu một sự thay đổi trong xu hướng, đòi hỏi phải thanh lý tất cả các vị thế theo xu hướng trước đó. Thông thường, đường xu hướng bị phá vỡ là một trong những tín hiệu cảnh báo sự thay đổi xu hướng sớm nhất.

Cách xác định tầm quan trọng của một đường xu hướng

Hãy thảo luận về một số tính chất nổi bật của đường xu hướng. Trước hết điều gì quyết định tầm quan trọng của một đường xu hướng? Câu trả lời bao gồm 2 phần: Thời gian theo đó đường xu hướng không thay đổi và số lần nó được kiểm nghiệm. Ví dụ một đường xu hướng lên được kiểm nghiệm thành công 8 lần, tức là liên tục thể hiện được giá trị của mình, hiển nhiên sẽ quan trọng hơn so với đường chỉ được kiểm nghiệm hơn 3 lần. Hơn nữa, một đường xu hướng kéo dài trong 9 tháng sẽ quan trọng hơn đường xu hướng chỉ kéo dài 9 tuần hoặc 9 ngày. Đường xu hướng càng có ý nghĩa thì càng tạo được niềm tin và việc nó bị phá vỡ càng quan trọng hơn.

Đường xu hướng nên thể hiện tất cả biến động giá

Đường xu hướng trên đồ thị nên được vẽ trên hoặc dưới biên độ giá của cả ngày. Một số người sử dụng đồ thị thích vẽ đường xu hướng bằng cách nối giá đóng cửa, nhưng nó không phải là một phương pháp đúng chuẩn. Giá đóng cửa có thể là mức giá quan trọng nhất trong ngày, nhưng nó vẫn chỉ đại diện cho số ít hoạt động giao dịch của ngày hôm đó. Phương pháp tính toàn bộ biên độ giá của cả ngày được sử dụng phổ biến hơn vì nó bao quát tất cả các hoạt động giao dịch tức là đường xu hướng bao quát được cả vị trí thấp nhất của một cây nến ( xem hình minh họa đường xu hướng của cổ phiếu CVT ở trên)

Cách xử lý những điểm phá vỡ không đáng kể đối với đường xu hướng

Đôi khi, giá cả sẽ phá vỡ đường xu hướng trên cơ sở giao dịch trong ngày, nhưng sau đó lại đóng cửa theo xu hướng ban đầu, khiến các nhà phân tích trở lên phân vân không biết liệu đường xu hướng có thật sự bị phá vỡ hay chưa. Xem hình 5 ví dụ về một tình huống như vậy. Giá đã rơi xuống dưới đường xu hướng suốt cả phiên, nhưng quay trở lại giá đóng cửa nằm trên đường xu hướng tăng. Vậy đường xu hướng này có cần được vẽ lại không?

Xu-ly-diem-pha-vo

Thật đáng tiếc là không có một phương pháp nào để chúng ta có thể tuân theo một cách nhanh chóng. Đôi khi, tốt nhất là chúng ta lên phớt lờ những sự phá vỡ nhỏ lẻ, đặc biệt là khi diễn biến giá cổ phiếu sau đó có thể chứng minh được là đường bao đầu vẫn còn hiệu lực.

Điều gì tạo nên sự phá vỡ hợp lệ đối với đường xu hướng?

Thông thường, một mức giá đóng cửa vượt khỏi phạm vi đường xu hướng vẫn quan trọng hơn một cú phá vỡ trong ngày. Thậm chí, đôi khi một sự phá vỡ mức giá đóng cửa cũng không đủ. Đa số các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng nhiều công cụ lọc giá và thời gian nhằm phân biệt những cú phá vỡ đường xu hướng đáng kể và loại bỏ những tín hiệu xấu hay hiện tượng răng cưa.

Cách thức hoán đổi vai trò của đường xu hướng

Khi ngưỡng hỗ trợ và kháng cự sẽ thay đổi vai trò nếu bị phá vỡ. Nói cách khác, một đường xu hướng tăng ( Đường hỗ trợ) sẽ trở thành đường kháng cự khi bị phá vỡ một cách triệt để. Đó là lý do tại sao đây được coi là ý tưởng tốt để hướng tất cả vào các đường xu hướng về bên phải đồ thị càng xa càng tốt ngay sau khi chúng bị phá vỡ. Thật bất ngờ là các đường xu hướng cũ thường vận hành như những đường hỗ trợ và kháng cự trong tương lai nhưng lại hoán đổi vai trò cho nhau. (Xem hình 5a-b).

Duong-xu-huong-tang-bi-pha-vo

Nguyên tắc hình quạt

Phần này đưa chúng ta đến với cách sử dụng thú vị khác với đường xu hướng – Nguyên tắc hình quạt ( Xem hình 6a-b).

Nguyen-tac-hinh-quat-tai-dinh

Đôi khi sự phá vỡ của một đường xu hướng tăng, giá sẽ giảm một chút trước khi hồi phục trở lại tới đáy của đường xu hướng tăng cũ (mà bây giờ trở thành đường kháng cự). Trong hinh 6a nên lưu ý cách phục hồi giá dù không thể vượt khỏi đường số 1. Một đường xu hướng thứ 2 (Đường 2) cũng bị phá vỡ. Sau một nỗ lực hồi phục bị thất bại khác, Đường thứ 3 được vẽ lên (đường 3). Sự phá vỡ đường xu hướng thứ 3 thường báo hiệu khả năng giá sẽ tiếp tục giảm. Trong hình 6b, sự phá vỡ đường xu hướng giảm thứ 3 (đường số 3) tạo thành tín hiệu của xu hướng tăng mới. Trong những ví dụ này, những đường hỗ trợ bị phá vỡ trước đó trở thành kháng cự và ngược lại. Thuật ngữ nguyên tắc hình quạt bắt đầu từ hình dạng của những đường này-chúng tỏa ra như những cánh quạt. Cần lưu ý rằng sự phá vỡ đường thứ 3 là một tín hiệu đảo chiều xu hướng hợp lệ.

Cách điều chỉnh đường xu hướng

Đôi khi đường xu hướng phải được điều chỉnh để phù hợp với xu hướng tăng hay giảm (hình 7a-b). Nếu một đường xu hướng quá dốc bị phá vỡ ta phải vẽ thêm một đường xu hướng ít dốc hơn. Nếu đường xu hướng ban đầu quá bằng phẳng, ta phải vẽ lại thành một đường dốc hơn. Hình 7a cho thấy khi một đường xu hướng quá dốc bị phá vỡ (đường 1), một đường dốc hơn (đường 2) phải được vẽ ra.

Duong-xu-huong-qua-doc

Trong hình 7b, đường xu hướng ban đầu quá bằng phẳng và phải được vẽ lại cho dốc hơn. Khi đường xu hướng tăng tốc thì đòi hỏi phải vẽ một đường dốc hơn. Một đường xu hướng quá cách xa điểm biến động giá thì thường ít được sử dụng để theo dõi xu hướng. Trong trường hợp một xu hướng đang tăng nhanh, đôi khi một vài đường xu hướng phải được vẽ lại với độ dốc lớn hơn. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, khi cần vẽ thêm đường xu hướng có độ dốc cao hơn thì phải sử dụng một công cụ khác – đường trung bình di động – là dạng đường xu hướng cong. Một trong những ưu thế của việc sở hữu nhiều dạng chỉ báo kỹ thuật khác nhau là có thể chọn được công cụ thích hợp nhất với tình hình hiện tại. Tất cả các kỹ thuật được nói đến trong website này đều hiệu quả trong tình huống nào đó, nhưng lại vô hiệu trong những tình huống khác. Khi có nhiều công cụ để sử dụng thì nhà phân tích kỹ thuật có thể nhanh chóng chuyển từ một công cụ này sang công cụ khác có thể hiệu quả hơn cho tình huống đó. Khi có
một đường xu hướng tăng tốc thì một đường trung bình di động sẽ hữu ích hơn so vói một chuỗi đường xu hướng dốc hơn.
Tại một thời điểm nào đó có thể có những cấp độ xu hướng khác nhau, vì thế cần có nhiều đường xu hướng khác nhau để đánh giá được những xu hướng đa dạng này. Ví dụ một đường xu hướng tăng chính có thể nối những điểm đáy của xu hướng tăng chính, mặc dù một đường ngắn hon và nhạy cảm hơn lại được sử dụng cho xu hướng trung gian.

Kênh xu hướng

Đường kênh giá (Channel Line), hay đường thu hoạch (Return Line) là một biến thể hữu dụng khác của đường xu huớng. Đôi khi giá có xu hướng nằm bên trong hai đường song song – đường xu hướng cơ bản và đường kênh giá. Hiển nhiên, khi thực tế đúng như vậy và sự tồn tại của kênh xu hướng được giới phân tích thừa nhận, kiến thức này sẽ được sử dụng để tạo ra lợi nhuận.

Kenh-xu-hướng-tăng

Kenh-xu-hướng-giam

Việc vẽ đuờng kênh giá tương đối đơn giản. Trong một xu hướng tăng (Xem hình 8a), truớc tiên ta vẽ đường xu hướng tăng cơ bản nối các đáy. Sau đó, ta vẽ một đường gạch chấm từ đỉnh đầu tiên (điểm 2) song song với đường xu hướng tăng cơ bản. Cả hai đường đều hướng lên về phía phải, hình thành một kênh giá. Nếu đợt hồi phục kế tiếp chạm đến và bật lại từ đường kênh giá (tại điểm 4), thì kênh giá có thể tồn tại. Nếu sau đó giá lại rơi ngược về đường xu hướng ban đầu (tại điểm 5) thì có khả năng kênh giá sẽ xuất hiện.

Với xu huớng giảm, tình hình cũng diễn ra tương tự (hình 8b) nhưng tất nhiên là theo hướng ngược lại. Đường xu hướng tăng cơ bản được sử dụng để bắt đầu những vị thế mua mới. Đường kênh giá có thể được sử dụng cho những hoạt động kiếm lời ngắn hạn. Các nhà giao dich tích cực sử dụng đường kênh giá để bắt đầu một vị thế bán nghịch xu hướng cho dù việc giao dịch theo hướng ngược lại có thể nguy hiểm và tốn kém. Cũng như trường hợp của đường xu hướng căn bản, kênh giá càng dài và càng được thử thách thành công nhiều lần thì càng có ý nghĩa và bền vững.

Giá thất bại khi tiếp cận đường kênh trên

Việc phá vỡ đường xu hướng chính sẽ báo hiệu một sự thay đổi quan trọng về xu hướng. Tuy nhiên, sự phá vỡ đường kênh giá tăng lại có một ý nghĩa ngược lại, và báo hiệu một sự tăng tốc trong xu hướng hiện tại. Một số nhà giao dịch xem việc làm rõ đường kênh giá trên trong một xu huóng tăng như là một lý do để bổ sung các vị thế mua. Một cách khác để sử dụng kỹ thuật đường kênh giá là nhận ra sự thất bại trong việc tiếp cận đường kênh giá, một tín hiệu cho thấy sự suy yếu của xu hướng.

Su-that-bai-khi-tiep-can-kenh-gia-tren

Trong hình 8c, việc giá không thể chạm đỉnh kênh giá (tại điểm 5) có thể là một tín hiệu sớm báo hiệu sự thay đổi của xu hướng và khả năng đường còn lại (đường xu hướng tăng cơ bản) sẽ bị phá vỡ. Theo lệ thường, sự thất bại của bất cứ chuyển động nào trong phạm vi một kênh giá đưọc thiết lập nhằm đạt được một mặt của kênh giá cũng thường cho thấy rằng xu hướng đang thay đổi, và làm gia tăng khả năng bị phá vỡ của đường kênh giá còn lại.

Kênh giá cũng có thể được sử dụng để điểu chỉnh đường xu hướng cơ bản.

Thông thường, sự biến động với một mức đáng kể trên đường kênh giá tăng sẽ cho thấy sự bền vững của đường xu hướng. Một số người sử dụng đồ thị vẽ một đường xu hướng tăng cơ bản có độ dốc lớn hơn từ đáy gần nhất song song vài đường kênh giá mới (như trên hình 8d).

Su-pha-vo-duong-kenh-tren-cua-gia

Khi-gia-khong-cham-duong-kenh-tren

Thông thường, một đường hỗ trợ mới có độ dốc hơn sẽ hoạt động tốt hơn so với đường ít dốc. Tương tự, sự thất bại của một xu hướng tăng trong việc tiếp cận đường biên trên của một kênh giá chứng minh rằng việc vẽ thêm đường hỗ trợ mới tại đáy tương ứng gần nhất song song với đường kháng cự mới nằm trên 2 đỉnh trước đó là đúng (Xem hình 8e).
Đường kênh giá có chức năng đo lường. Khi kênh giá hiện tại bị phá vỡ, giá thường sẽ di chuyển một khoảng bằng chiều rộng kênh giá. Chính vì thế, người sử dụng phải đo chiều rộng của kênh giá và dự tính khoảng cách đó từ điểm phá vỡ đường xu hướng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong hai đường đó, đường xu hướng cơ bản đóng vai trò quan trọng và đáng tin cậy hơn nhiều. Đường kênh giá chỉ là cách sử dụng thứ yếu trong kỹ thuật đường xu hướng. Tuy nhiên, việc sử dụng dường kênh giá thường hiệu quả trong việc điều chỉnh công cụ phân tích của nhà phân tích đồ thị.

Tham gia cộng đồng CryptoFamily của chúng tôi để nhận thông tin sớm nhất
Telegram Channel: https://t.me/CryptoFamilyTrading

Telegram Group: https://t.me/CryptoFamilyGroup

By: CryptoFamily