Bài 1: Hiểu về xu hướng và làm bạn với xu hướng

Xu hướng là gì?


Xu là xu thế, hướng là hướng theo vì vậy xu hướng là hướng theo xu thế.
 

Xu hướng được hình thành như thế nào?


Xu hướng được hình thành từ sự dịch chuyển của giá. Giá được hình thành từ lượng cung cầu trên thị trường của nhà đầu tư. Vậy yếu tố cội nguồn hình thành nên 1 Xu hướng chính là lượng cung cầu của nhà đầu tư trên thị trường. Lượng cung cầu trên thị trường luôn thay đổi, nên Xu hướng của thị trường cũng vì vậy mà thay đổi theo. Xu hướng có thể mạnh lên, Xu hướng có thể yếu đi hay Xu hướng có thể bị phá vỡ đảo chiều hình thành 1 Xu hướng mới.
 

Có bao nhiêu loại xu hướng?


Có 3 loại xu hướng cơ bản: xu hướng tăng, xu hướng giảm và không xu hướng. xu hướng tăng là khi giá liên tục hình thành đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ và đáy mới cao hơn đáy cũ. xu hướng giảm là khi giá hình thành đáy mới thấp hơn đáy cũ và đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ. Còn lại không nằm trong trường hợp nào thì đó là thị trường không xu hướng, giá đi ngang còn gọi là Sideway.
 

Thế nào là xu hướng mạnh?


Tôi sẽ lấy ví dụ 1 xu hướng tăng để phân biệt cho các bạn thấy sự khác biệt giữa 1 xu hướng tăng và 1 xu hướng tăng mạnh. Bạn có thể suy luận ngược lại đối với xu hướng giảm.

trend manh va trend thuong.

Trong 1 xu hướng tăng chúng ta có 2 thành phần chính là: sóng tăng và sóng điều chỉnh (sóng giảm). Trong hình vẽ thể hiện 2 xu hướng tăng, những bước sóng (1-2), (3-4), (5-6) là những sóng điều chỉnh trong 1 xu hướng tăng. Những khung hình chữ nhật được vé ra từ (đỉnh 1-đáy 2), (đỉnh 3-đáy 4) được gọi là vùng điều chỉnh của 1 xu hướng. Thông thường trong 1 xu hướng tăng, sóng điều chỉnh sẽ có giá đóng cửa nằm trong vùng điều chỉnh (hình A), xu hướng này được cho là xu hướng tăng thường, độ bền vững cao, độ tin cậy cao (các đáy khó bị phá vỡ, nếu vỡ là vỡ luôn xu hướng). Với hình (B), ta thấy sóng điều chỉnh không có giá đóng cửa nằm trong vùng điều chỉnh, xu hướng tăng này được cho là xu hướng tăng mạnh, quá gấp rút nên thường không bền vững, độ tin cậy thấp (các đáy dễ bị phá vỡ, vỡ rồi chưa chắc xu hướng vỡ).
 

Khi nào thì 1 xu hướng bị phá vỡ?


Tôi vẫn sẽ lấy ví dụ 1 xu hướng tăng để nói về vấn đề khi nào thì 1 xu hướng bị phá vỡ, các bạn có thể suy luận ngược lại đối với xu hướng giảm

Trên hình (A), xu hướng tăng được cho là bị phá vỡ khi giá giảm đóng cửa dưới đáy (6) – vị trí này chính là điểm Stoploss cho chiến lược Buy theo xu hướng. Khẳng định chính xác là xu hướng tăng đã bị phá vỡ với độ tin cậy 1000% tuy nhiên xu hướng tăng bị phá vỡ không nghĩa là xu hướng giảm được hình thành, hành động lúc này của chúng ta là đứng ngoài thị trường và chờ đợi xu hướng giảm hình thành.

trend bi pha.

Với hình (B), tôi đã đề cập ở trên, xu hướng tăng này gọi là xu hướng tăng mạnh nhưng độ tin cậy lại rất thấp. Khi giá giảm từ đỉnh (7) phá vỡ đáy (6) hay thậm chí là phá vỡ đáy (4), ta cũng không thể kết luận xu hướng tăng đã bị phá vỡ, bởi rất có thể thị trường xem giai đoạn từ (2) lên (7) chỉ là 1 sóng tăng trong xu hướng tăng và giai đoạn giá giảm từ đỉnh (7) đó được xem là sóng điều chỉnh. Lúc đó hình (B) rất có khả năng xảy ra như hình (B)’, và xu hướng chỉ được cho là bị phá vỡ khi giá đóng cửa dưới đáy (2).

trend bi pha 2.
 

Tại sao không nên giao dịch ngược xu hướng?


Như đã nói ở trên, yếu tố cội nguồn để hình thành 1 xu hướng là lượng cung cầu trên thị trường. Thị trường cũng như chiến trường vậy, ở nơi đó chia làm 2 phe (phe bán và phe mua) đang đánh nhau rất quyết liệt. Khi thị trường đang có xu hướng tăng, nghĩa là phe mua đang thắng thế so với phe bán hay nói cách khác phe mua đang đông hơn phe bán. Là 1 chiến binh ngoài cuộc, chuẩn bị tham gia vào cuộc chiến, tôi nghĩ bạn biết rõ mình nên theo phe nào để dành phần thắng cao hơn. Trừ khi bạn là Dillos trong bộ phim “300 chiến binh”, hình như sau trận chiến dù là người suy nhất sống sót nhưng ông bị chột một mắt.

Lời kết:

Là một trader chuyên nghiệp, bạn phải làm bạn với xu hướng và lấy câu “Trend is my friend” làm câu thần chú theo bạn suốt đời trader. Tôi luôn hình dung việc đi ngược xu hướng cũng như khi lái xe ngược chiều vậy, bạn có thể gặp tai nạn có thể không, bạn có thể thua lệnh hoặc có thể thắng. Nhưng rõ ràng việc lái xe ngược chiều thì xác suất xảy ra tai nạn cho bạn là rất cao so với việc bạn lái xe đúng chiều, trong trading cũng vậy, nếu bạn quyết đi ngược xu hướng thị trường thì xác suất thua của bạn nắm chắc 50% rồi, đi đổ xí ngầu đặt tài xỉu nghe leng keng nhiều khi còn vui hơn.
 
Hà Trí Quyền
 
Cảm ơn bạn đã bỏ thời gian đọc bài chia sẻ của tôi.

Chúc các bạn thành công.